Cập nhật phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng
Ngày 28-6, GS-TS Trần Quỵ, chủ tịch hội đồng cập nhật, chỉnh sửa phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng mới, cho hay hội đồng đã hoàn tất việc cập nhật và chỉnh sửa phác đồ điều trị tay chân miệng, chờ Bộ Y tế phê duyệt.
Phác đồ mới được xây dựng theo hướng phân rõ độ nặng nhẹ của bệnh so với phác đồ hiện hành, hướng dẫn chi tiết về triệu chứng của từng giai đoạn bệnh nhằm giúp bác sĩ và điều dưỡng dễ
nhận biết giai đoạn bệnh của trẻ, có hướng điều trị kịp thời ngay khi trẻ vào viện.
So với mọi năm, năm 2011 bệnh diễn tiến theo chiều hướng gia tăng số ca mắc và số trường hợp bệnh nặng. Tính đến tháng 6-2011, cả nước có khoảng 6.000 trẻ mắc bệnh, trên 30 ca tử vong. Ở nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam, số mắc bệnh tăng vọt so với cùng kỳ. Ông Quỵ cũng cho hay thông thường mọi năm bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh trong mùa hè, tuy nhiên với tình hình dịch năm nay hiện chưa dự đoán được thời điểm kết thúc mùa dịch, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện bệnh.
Bệnh tay chân miệng tăng kỷ lục
Số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại TP.HCM trong tháng 5 đã vượt qua mức cao nhất kể từ khi bệnh này được đưa vào giám sát, phòng dịch tại VN, với số ca mắc tăng gần gấp đôi so với kỷ lục bệnh trước đó.
Xuất hiện chủng vi-rút mới
Sáng nay (8.6), Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, trong tháng 5.2011, TP.HCM có 1.433 ca mắc TCM, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2010 và gấp hơn 2 lần so với tháng trước (tháng 4 có 640 ca).
Từ khi bệnh TCM được đưa vào giám sát, phòng dịch tại VN, theo ghi nhận của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tháng 9.2008 là thời điểm TP.HCM có số ca bệnh cao kỷ lục với hơn 800 ca. Thế nhưng, số ca bệnh trong tháng 5 năm nay đã tăng gấp đôi so với tháng 9.2008 và là tháng có số ca bệnh cao nhất từ trước đến nay.
Đáng nói hơn, hiện nay, bệnh TCM đã xuất hiện chủng vi-rút mới mang tên EV71, thuộc tiểu nhóm B thay vì nhóm C như những trường hợp đã thấy ở Việt Nam trước đây. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM), trung bình mỗi ngày có đến 100-120 trẻ đang nằm viện điều trị bệnh TCM. Đáng lo ngại là, số ca biến chứng nặng đang ở mức cao với trên dưới 10 ca nặng, nằm chật kín phòng cấp cứu, điều trị đặc biệt và phải thở máy.
Trong tháng 5, toàn TP.HCM đã có 7 trường hợp tử vong do bệnh TCM, đưa số tử vong do bệnh TCM tại TP.HCM từ đầu năm đến nay lên 12 ca. Số ca tử vong do bệnh TCM trong tháng 5 cao nhất từ trước đến nay (kỷ lục tháng 9.2008 là 6 ca tử vong). Trong đó, tất cả các quận huyện tại TP.HCM đều có bệnh TCM, nhiều quận huyện số ca mắc bệnh TCM tăng gấp 3-4 lần tháng trước.
Bệnh nhân tay chân miệng tăng mạnh - Ảnh: Nguyên Mi
Còn lơ là trong phòng dịch
Trong khi đó, mặc cho chỉ đạo phòng dịch của Sở Y tế, các tuyến cơ sở, mạng lưới y tế phường xã hoàn toàn lơ là và không nắm công tác phòng dịch. Nhiều người dân hoàn toàn không nhận được thông tin gì từ trạm y tế phường xã về bệnh TCM, Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.
Là một trong những quận có số ca bệnh TCM dẫn đầu TP và số ca tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng trước, nhưng công tác phòng dịch tại Quận Tân Bình vẫn rất... thủng thẳng. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên online, nhiều khu dân cư trong quận không được vệ sinh khử khuẩn. “Tôi có thấy y tế phường nói gì đâu hay vệ sinh khử khuẩn gì đâu?”, mặc dù nhà có con nhỏ dưới 5 tuổi nhưng chị Lê Duy Thủy (đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình) ngạc nhiên khi nghe phóng viên hỏi đến việc vệ sinh khử khuẩn và các thông tin phòng bệnh tại địa phương.
Tại khu nhà trọ quanh Khu công nghiệp Tân Bình, trẻ em dưới 5 tuổi vẫn vô tư chạy chơi ở những khu đất trống hay bò lê dưới sàn nhà lem luốc. Nhiều khu nhà trọ có 3 trẻ thì cả 3 trẻ đều mắc bệnh TCM. Tình hình cũng tương tự tại nhiều khu dân cư của quận 11, quận Bình Thạnh. Khi được hỏi, nhiều người dân ngơ ngác: "Vệ sinh khử khuẩn bằng cách nào?!".
Đến sáng nay, cơ sở y tế dự phòng của quận 10, quận Phú Nhuận còn chưa lên Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM nhận chất khử khuẩn. Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, bệnh TCM hiện chưa có thuốc phòng ngừa và chữa trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh ở mỗi hộ gia đình là: vệ sinh khử khuẩn môi trường; rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, để bàn tay không mang con vi-rút này đưa vào cơ thể; vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với đồ chơi, vật dụng của trẻ cũng như môi trường trẻ sinh hoạt. Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyên phụ huynh: Nếu thấy trẻ có biểu hiện lở miệng, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, gối, mông, kèm theo sốt cao liên tục, giật mình (nhất là khi ngủ), hốt hoảng, bứt rứt, run tay chân, đi đứng loạng choạng, ói nhiều, thở nhanh,… thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để khám chữa. Trẻ nhập viện trễ, sốc thì rất khó cứu.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang thừa nhận: “Bệnh TCM tăng mạnh do nguyên nhân chủ quan là công tác chống dịch từ tuyến cơ sở không tốt, hoàn toàn làm sai chủ trương, chỉ đạo khi chỉ bao vây, xử lý dịch ở ổ dịch, ngay hộ dân có người mắc bệnh mà không chủ động vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với khu dân cư, ở tất cả các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi”.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế địa phương phải làm đúng chỉ đạo chống dịch và sẽ tiếp tục kiểm tra phòng dịch.
Nắng nóng làm tăng ca mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh, Hà Nội đã xuất hiện các ca rải rác. BS Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết:
Trên địa bàn thành phố gần đây ghi nhận 7 trường hợp nghi mắc chân tay miệng. Số mắc rải rác, chưa có ca xác định bằng kết quả xét nghiệm dương tính, không có tử vong. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan vì số mắc bệnh này thường tăng cao vào các tháng hè. Đặc biệt, đây là bệnh do vi-rút đường ruột, lây qua đường tiêu hóa, lây qua tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, mụn nước bị vỡ. Nếu không chủ động dự phòng thì nguy cơ bùng phát rất nhanh.
Trẻ cần được đi khám kịp thời tại các cơ sở y tế - Ảnh: Ngọc Thắng
Việc giám sát chủ động trên địa bàn thành phố được thông qua hệ thống cộng tác viên tại 29 quận huyện. Trung tâm y tế đã tập huấn về giám sát bệnh tay chân miệng tại Hà Nội. Hệ thống cộng tác viên sẽ cùng tham gia giám sát, kịp thời phát hiện các ca có biểu hiện lâm sàng, qua đó hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ đúng không để nặng và không để lây lan rộng. Việc phát hiện sớm các ca bệnh riêng lẻ còn mang tính "chỉ điểm" giúp chúng ta lưu ý kiểm soát không để bùng phát thành ổ dịch.
* Xin ông cho biết biểu hiện sớm của bệnh tay chân miệng?
- Biểu hiện của bệnh tay chân miệng dễ nhận biết nếu được chú ý, đó chính là các bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối... Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng có tỷ lệ bị biến chứng nguy hiểm như viêm màng não. Các bác sĩ điều trị khuyến cáo: để phát hiện sớm biến chứng, điều quan trọng là khi thấy trẻ có triệu chứng bóng nước, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, tại nhà: cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa. Phát hiện các triệu chứng nguy hiểm: co giật, ý thức lơ mơ, vật vã, hoảng hốt...
* Cần làm gì để bệnh không bùng phát thành dịch lớn, thưa ông?
- Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương và Hà Nội tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là phòng bệnh cho trẻ em. Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã có các biện pháp phòng chống cho cộng đồng: cách ly bệnh nhân, vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chơi đồ chơi chung, khử khuẩn phân và chất thải của bệnh nhân…; khuyến cáo người dân khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế đồng thời cho trẻ không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.
Các bậc phụ huynh chỉ cho con đến lớp khi hết loét miệng, phỏng nước. Để làm tốt việc này cơ quan y tế phối hợp với phòng GD-ĐT tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh trong trường học. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại nơi có 2 trẻ trở lên cùng mắc bệnh trong vòng môt tuần thì lớp đó đã có thể được nghỉ học. Điều này cho thấy tính chất lây lan rất mạnh của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, biết như vậy để ta không chủ quan và cho trẻ đi khám sớm và cách ly chăm sóc chứ không phải hoang mang, lo lắng quá mức.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ào ào nhập viện khiến hành lang ở các bệnh viện nhi cũng trở thành
nơi trị bệnh. Trong khi đó, chủng virus mới xuất hiện làm bệnh trở nên khó trị hơn nhưng nhiều nơi
vẫn lơ là phòng bệnh. Bệnh nhi nằm ở hành lang khiến bác sĩ cũng ra hành lang khám bệnh
(ảnh chụp sáng 17-6 tại BV Nhi đồng 2). Ảnh: V.K.
Bệnh tay chân miệng tấn công trẻ trên 10 tuổi
Hôm qua 8.6, tại buổi làm việc với 24 đơn vị y tế quận huyện trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết chỉ trong tháng 5, tại TP có đến gần 1.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã có 12 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 3.000 ca mắc căn bệnh này. Bên cạnh đó, năm nay, vi-rút tay chân miệng tấn công cả trẻ lớn trên 10 tuổi (hiện tượng này lâu nay chưa có). Ngoài việc xuất hiện subtype vi-rút gây bệnh mới (từ Entrerovirus 71 nhóm C chuyển sang Entrerovirus 71 nhóm B), thì theo Sở Y tế, công tác phòng chống dịch bệnh của một số quận, huyện chưa tốt. Do vậy, TS-BS Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, để bệnh tay chân miệng thuyên giảm trong những ngày tới, các đơn vị y tế quận, huyện phải quyết liệt tích cực trong phòng chống dịch
Điều trị 'tay chân miệng' ở… hành lang
Sáng 17-6, Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 có khoảng 200 trẻ nằm điều trị do bệnh tay chân miệng gây ra, trong đó có hơn 10 trẻ bị biến chứng nặng phải điều trị tích cực. Trong phòng, mỗi giường phải len 3-4 trẻ, còn hành lang gần như không có lối đi bởi các cháu không có giường phải đưa ra đây để nằm. Bất chấp thông báo của bệnh viện không được nằm tại khu vực hành lang, nhưng do khoa quá tải trầm trọng, nhiều bà mẹ vẫn chen nhau kiếm chỗ ở hành lang cho con nằm. Tại phòng 107 có đến 10 giường bệnh, dưới sàn nhà được tận dụng trải thêm gần chục chiếc chiếu.
Tình trạng tương tự ở khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 khi dãy nhà 2 tầng cũng chật kín các bé bị bệnh tay chân miệng. Mỗi chiếc ghế bố được cho thuê với giá 10 ngàn đồng một ngày, trải kín hành lang. Chỉ khi có người xuất viện thì trẻ nằm ngoài hành lang mới có chỗ nằm trong phòng. Mẹ bé Nguyễn Xuân Sang 3 tuổi ở Vũng Tàu rầu rĩ nói: “Con tôi nhập viện đã ba ngày nhưng đến nay vẫn chưa có chỗ trống vào phòng”. Chị Hoài, mẹ bé Gia Hưng 1 tuổi cũng đã ba ngày nằm hành lang với con, cho biết: “Mỗi khi mưa phải kéo cửa sổ lại và phải mua thêm chiếu để che”. Bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết, từ tháng 5 đến nay, tại đây điều trị gần 1.000 trẻ bị bệnh tay chân miệng, trong đó có 3 ca tử vong. Nơi đây đang có 20 bệnh nhi điều trị, trong đó có 16 trẻ trong tình trạng bệnh nặng. Trong khi đó, BV Bệnh nhiệt đới điều trị cho gần 100 trẻ mắc bệnh này.
Lơ mơ chống dịch
Ráo riết chống dịch tay chân miệng từ thời điểm dịch ngấp nghé vào tháng 4, nhưng đến nay số lượng trẻ nhập viện do căn bệnh này vẫn gia tăng mạnh. Tại cuộc họp phòng chống dịch bệnh này mới đây, ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, tỏ ra ngán ngẩm khi một số quận, huyện vẫn còn chống dịch kiểu “lơ mơ và ngái ngủ”. Khi dịch đã vào đỉnh nhưng đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng quận 10 cho biết vẫn chưa nhận được thuốc khử khuẩn và tuyên truyền cho người dân.
Tại một số địa phương, đã có trẻ tử vong vì dịch bệnh nhưng cả tuần sau cơ quan y tế dự phòng mới nhận được tin. Vì vậy, khi phát hiện ra ổ dịch thì virus gây bệnh đã lan ra cộng đồng. Theo ông Lê Trường Giang, khi đi kiểm tra tình hình dịch tay chân miệng ở các quận, huyện, nhiều cán bộ y tế dự phòng vẫn mù mờ về cách pha hóa chất, nhiều nơi làm hoài nhưng vẫn… không thuộc bài! Đó cũng là nguyên nhân góp phần khiến bệnh tay chân miệng đã xuất hiện trên 70% số phường-xã ở khắp 24 quận-huyện của TPHCM, trong đó 70% là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Bóng nước của bệnh tay chân miệng và các vị trí bóng nước thường xuất hiện.
Bệnh tay chân miệng lên đỉnh dịch
Gần 1.500 trường hợp nhập viện trong tháng 5 và tiếp tục tăng ca ở tuần đầu tháng 6, bệnh tay chân miệng được Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đánh giá là đang có tốc độ lây lan cao nhất từ trước đến nay. Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, lượng trẻ nhập viện hiện cao gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2010. Mỗi ngày có đến hàng trăm trẻ nằm viện điều trị. Nếu 5 tháng đầu năm nay, thành phố có khoảng 2.700 trường hợp mắc bệnh thì chỉ trong một tháng vừa qua, số ca nhập viện đã gần 1.500 cháu.
Chưa có văcxin phòng ngừa, dễ lây, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dễ gây tử vong, tay chân miệng đang trở thành căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng của trẻ. Đến nay, đã có 12 trẻ chết vì bệnh này ở thành phố, chỉ sau 5 tháng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh tay chân miệng có tên tiếng Anh là hand - foot - mouth disease do virus đường ruột gây nên. Thường gặp nhất là loại virus coxsackie A16 và entero 71.
Bệnh dễ lây lan từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người mắc bệnh. Giai đoạn dễ lây nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Trẻ nhũ nhi, trẻ em dưới 2 tuổi dễ nhiễm hơn vì chưa có kháng thể chống lại bệnh này.
Phụ nữ mang thai cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy không ảnh hưởng đến thai nhi, song nếu bà bầu bị nhiễm virus gây bệnh trước khi sinh, mẹ có thể truyền virus cho con. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Biểu hiện thường thấy là sốt, đau họng, biếng ăn, mệt mỏi, nổi bóng nước. Bóng nước ban đầu chỉ là những chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành bọng nước và vỡ ra. Bóng nước thường xuất hiện ở lưỡi, nướu (lợi) và bên trong má. Ngoài ra còn thấy ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, một số trường hợp nổi ở mông. Cũng có một số trường hợp bóng nước chỉ xuất hiện ở miệng. Nếu bệnh do coxsackievirus A16 gây nên thường tự lành sau một tuần. Nhưng nếu nhiễm enterovirrus 71, trẻ có thể bị biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim cấp, viêm phổi.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng được xác định từ năm 2005. Trước đó, nhiều trường hợp tử vong có biểu hiện tương tự mà các bác sĩ chưa biết do bệnh gì. Bệnh thường tăng ca từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 10. Các nghiên cứu cho thấy, chủng virus entero 71 có độc tính cao dần xuất hiện nhiều hơn.
Do chưa có vaccine điều trị, cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Với người lớn, nếu chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Các vật dụng, đồ chơi thường dùng của trẻ, sàn nhà, tay nắm cửa, cần được lau rửa bằng nước sạch, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%. Không dùng chung các đồ dùng ăn uống của người bệnh và cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi hẳn. Trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, phụ huynh không nên cho trẻ đến những nơi đông người hoặc chơi những vật dụng mà nhiều trẻ tiếp xúc.
Khi nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh, phụ huynh cần đưa con em đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu như dễ giật mình, hoảng hốt, run chân tay, thở mệt, gồng người, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.
Ngày 02/07/2011
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
& Cn. Võ Thị Thu Trâm Người thực hiện: Văn Minh
Tags:
Tác giả: BBT Website
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- CHIẾN DỊCH ĐỀ ÁN 52 ĐỢT I NĂM 2011 CỦA ĐỘI BVSKBMTE – KHHGĐ HUYỆN VẠN NINH (29/08/2011)
- ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ (23/08/2011)
- KẾT QUẢ CÔNG TÁC THI ĐUA 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011 CỦA TRUNG TÂM Y TẾ VẠN NINH (23/08/2011)
- SƠ KẾT CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHỈNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011 CỦA TRUNG TÂM Y TẾ VẠN NINH (23/08/2011)
- Hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ từ 1/8-7/8 (06/08/2011)
- Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2011 trên địa bàn huyện Vạn Ninh (18/07/2011)